Khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu khí

I. Căn cứ pháp lý

–  ACIA, EVFTA, CPTPP.

–  Luật Khoáng sản năm 2010.

–  Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016

II. Điều kiện chi tiết

1. ACIA:

Đối xử quốc gia, Nhân sự quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị  sẽ không áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào liên quan tới đầu tư khai khoáng và khai thác đá, bao gồm nhưng không hạn chế ở các lĩnh vực sau: (i) Điều tra, thăm dò và khai thác khoáng sản; (ii) Khai thác, chế biến các khoáng sản và nguyên liệu thô quý và hiếm; (iii) Khai thác, chế biến khoáng sản quý hiếm, kim loại, nguyên liệu thô hiếm, khai thác đất sét để sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác cát chất lượng cao để sản xuất kính xây dựng và kỹ thuật; (iv) Các dự án khai thác khoáng sản quý hay hiếm phải có sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam; (v) Các hoạt động khoáng sản liên quan tới các khoáng sản đặc biệt, độc, quý và hiếm bao gồm điều tra địa chất cơ bản, thăm dò, khai thác và chế biến.

Đối xử quốc gia và Nhân sự quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị  sẽ không áp dụng đối với bất cứ biện pháp nào liên quan tới các hoạt động dầu khí được tiến hành trong Việt Nam. Đầu tư trong các hoạt động dầu khí sẽ phải được phê duyệt bởi Chính phủ Việt Nam

2. EVFTA: 

Phụ lục 8-C: Việt Nam có thể ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp liên quan đến hoạt động của một doanh nghiệp theo định nghĩa tại điểm 1(e) và 1(m) của Điều 8.2 (Các định nghĩa) mà không phù hợp với khoản 2 Điều 8.5 (Đối xử quốc gia), với điều kiện biện pháp đó không trái với với các cam kết nêu tại Phụ lục 8-B (Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam).

Phụ lục 8-B

– Khai thác dầu thô và khí tự nhiên[1](ISIC rev3.1:111, 112): chưa cam kết

– Khai thác quặng kim loại (ISIC rev3.1:1310, 1320): chưa cam kết

– Khai thác mỏ và khai thác đá khác (ISIC rev 3.1:1410): chưa cam kết

3. CPTPP:

a) Phụ lục NCM I-VN-31: Khai khoáng

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản sẽ không được chấp thuận trừ khi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhận thấy dự án mang lại lợi ích ròng cho Việt Nam. Quyết định này sẽ được đưa ra trên cơ sở các yếu tố sau (Nhà đầu tư nước ngoài không phải tuân thủ tất cả các tiêu chí để được cấp phép khai khoáng):

– Tác động của việc dự án đầu tư đến mức độ và bản chất hoạt động kinh tế ở Việt Nam, bao gồm tác động đến công ăn việc làm, việc sử dụng các thiết bị, linh kiện và dịch vụ sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam;

– Mức độ và tầm quan trọng của bên Việt Nam tham gia vào dự án đầu tư;

– Tác động của dự án đầu tư đến năng suất, hiệu quả kinh tế, phát triển công nghệ và đổi mới sản phẩm ở Việt Nam;

– Tác động của dự án đầu tư đến cạnh tranh trong cùng ngành hoặc các ngành ở Việt Nam;

– Sự tương thích của dự án đầu tư với chính sách quốc gia về công nghiệp, kinh tế và văn hóa, có tính đến các mục tiêu chính sách về công nghiệp, kinh tế và văn hóa do Chính phủ hoặc cơ quan lập pháp cấp tỉnh đề ra và có thể chịu ảnh hưởng đáng kể từ dự án đầu tư;

– Đóng góp của dự án đầu tư đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

b) Phụ lục NCM I-VN-32: Dầu khí

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) là doanh nghiệp duy nhất được phép thăm dò, khai thác dầu khí. Để thực hiện các hoạt động dầu khí ở Việt Nam thì cần có hợp đồng với PetroVietnam. Hợp đồng phụ có thể được ký với nhà thầu nước ngoài, nhưng ưu tiên tổ chức và cá nhân Việt Nam.

Việc thực hiện các hợp đồng dầu khí và chuyển nhượng các hợp đồng đó cho bên khác phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong một số trường hợp đặc biệt[2], những hoạt động sau cần phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: i) gia hạn thời hạn thăm dò hoặc thời hạn của hợp đồng dầu khí; và ii) ngừng thời hạn, không quá 3 năm, trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng dầu khí thỏa thuận ngừng việc thực hiện một số quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí trong tình huống không thể thực hiện ngay hợp đồng.

PetroVietnam được quyền ưu tiên mua một phần hoặc toàn bộ hợp đồng dầu khí cần chuyển nhượng.

Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ vận hành bay cho các hoạt động dầu khí thông qua các hợp đồng liên doanh với công ty của Việt Nam.

 

 

[1] Không bao gồm dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ dựa trên cơ sở tính phí hoặc hợp đồng trong lĩnh vực dầu, khí.

[2] Trong trường hợp đăc biệt, Chính phủ sẽ đưa ra điều kiện cho việc ngừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí, và điều kiện và thủ tục cho việc gia hạn thời hạn thăm dò hoặc thời hạn của hợp đồng dầu khí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *