Sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình

I. Căn cứ pháp lý

–  WTO, VJEPA, VKFTA, AFAS, ACIA, CPTPP, EVFTA

–  Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020

II. Điều kiện chi tiết

1. WTO, VKFTA, VJEPA, AFAS: không được thực hiện quyền phân phối các vật phẩm đã ghi hình.

– Dịch vụ sản xuất phim (CPC 96112, trừ băng hình), phát hành phim (CPC 96113, trừ băng hình), chiếu phim (CPC 96121):

+ Tất cả các phim phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm duyệt nội dung.

+ Chỉ dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp các dịch vụ này tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh.

– Riêng đối với dịch vụ chiếu phim (CPC 96121): các nhà văn hóa, các tụ điểm chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, các đội chiếu bóng lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hay liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Ghi chú: Ngành này thuộc danh mục miễn trừ Tối huệ quốc theo Cam kết WTO.

2. ACIA: hạn chế với các xuất bản phẩm: (i) Xuất bản sách, sách nhạc và các loại xuất bản phẩm (ISIC 2211); (ii) Xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ (ISIC 2212); (iii) Xuất bản băng đĩa ghi hình (ISIC 2213); (iv) Các loại xuất bản khác (ISIC 2219).

3. CPTPP:

a) Phụ lục NCM I-VN-9:

Đối với ngành sản xuất phim (CPC 96112), phát hành phim (CPC 96113) và chiếu phim (CPC 96121):

+ Không được cung cấp dịch vụ sản xuất phim, phát hành và chiếu phim ngoại trừ thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam được phép cung cấp các dịch vụ này, hoặc mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam được phép cung cấp các dịch vụ này. Trong trường hợp liên doanh hoặc mua cổ phần, vốn góp của bên nước ngoài không được vượt quá 51%.

+ Đối với việc chiếu phim, nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các nhà văn hóa, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, các đội chiếu bóng lưu động, hoặc chủ hay người điều hành các điểm chiếu phim tạm thời của Việt Nam.

+ Các rạp chiếu phim phải chiếu phim Việt Nam vào các dịp nghỉ lễ lớn của đất nước. Tỷ lệ phim Việt Nam trên tổng số phim được chiếu hàng năm sẽ không ít hơn 20%. Các rạp phải chiếu ít nhất một phim Việt Nam trong khoảng từ 18:00-22:00.

b) Phụ lục NCM I-VN-25

Không được đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp thương mại nhà nước của Việt Nam hiện đang được phép nhập khẩu một số vật phẩm ghi hình, như đã nêu tại Bảng 8c trong Báo cáo Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. Để chắc chắn hơn và nhất quán với Điều 9.11.1.c (Chỉ tiến không lùi), việc tự do hóa một doanh nghiệp thương mại nhà nước không dẫn đến yêu cầu phải tự do hóa tất cả các doanh nghiệp thương mại nhà nước.

c) Phụ lục NCM II-VN-14:

Đối với phân ngành ghi âm: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến dịch vụ ghi âm ngoại trừ việc cho phép nước ngoài sở hữu đến 51% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ghi âm.

d) Phụ lục NCM II-VN-20:

Đối với ngành sản xuất và phân phối băng đĩa hình: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến việc đầu tư vào sản xuất và phân phối băng đĩa hình trên bất kỳ chất liệu nào.

4. EVFTA Phụ lục 8-C: Việt Nam có thể ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp liên quan đến hoạt động của một doanh nghiệp theo định nghĩa tại điểm 1(e) và 1(m) của Điều 8.2 (Các định nghĩa) mà không phù hợp với khoản 2 Điều 8.5 (Đối xử quốc gia), với điều kiện biện pháp đó không trái với với các cam kết nêu tại Phụ lục 8-B (Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam).

5. Pháp luật Việt Nam:

(i) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phân phối bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các quy định khác của pháp luật có liên quan không trái với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(Điều kiện lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2020/NĐ-CP: (1) Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật. (2) Thực hiện lưu chiểu theo quy định tại Điều 23 Nghị định này)

(ii) Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được trực tiếp phân phối bản ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *